Hà Nội có 25 người mắc uốn ván, 3 trường hợp tử vong
Theo đó, trường hợp mắc uốn ván gần đây nhất là một bệnh nhân (nam, 66 tuổi, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). Ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.
Một bệnh nhân mắc uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh dâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tại…hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu…thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hoá, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn…
Bệnh uốn ván có thể gặp trên toàn cầu, ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở những quốc gia phát triển nông nghiệp, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.
Đặc biệt, bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.
Ths. BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh uốn ván là một trong những bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người. Vì vậy mọi người dân cần đi tiêm phòng vắc xin uốn ván đầy đủ.
Số liều tiêm và thời điểm tiêm có khác nhau ở các đối tượng: trẻ em, người lớn, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai lần đầu, phụ nữ đang mang thai lần hai. Người dân cần đến các trung tâm y tế dự phòng tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo. Sau khoảng 10 năm sau khi hoàn tất các liều cơ bản (03 mũi) thì cần tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin, và sau cứ mỗi 5-10 năm thì sẽ tiêm phòng nhắc lại 1 lần.
Nếu có vết thương dù lớn hay nhỏ cũng cần xử trí đúng cách. Cách xử trí vết thường tốt nhất đầu tiên cần rửa ngay dưới vòi nước sạch để chất bẩn ra ngoài, làm sạch vết thương. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn cát thì nên dùng oxy già sát khuẩn đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra ngoài, đồng thời tạo môi trường hiếu khí. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà bông rửa tay rồi lau khô.
Nếu vết thương có dị vật thì cần rửa sạch tay rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương, tránh băng bó kín, chặt sẽ tạo môi trường kị khí để nha bào uốn ván phát triển. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế để xử lý dị vật. Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế/ bệnh viện.
Ngoài ra, người dân cần tuyệt đối không được tự ý chữa bằng phương pháp dân gian như đắp thuốc, rắc thuốc bột. Sau khi xử lý tốt vết thương rồi sẽ tiêm huyết thanh phòng, chống uốn ván, tiêm càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24h.
Nam Anh
Tags:bệnh uốn ván tại Hà Nội
số ca mắc uốn ván tại Hà Nội
Tin cùng chuyên mục