09/12/2023 10:33

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nóng chuyện thiếu giáo viên, người dân bỏ ruộng cày

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bước vào ngày làm việc thứ 2 với các buổi thảo luận tại 4 tổ, hội trường.

Tại tổ 1 với sự tham gia của các đại biểu từ TP.Vinh, TX.Cửa Lò, TX.Hoàng Mai, các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Năm 2023, kinh tế - xã hội Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực, với 25/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Địa phương tiếp tục giữ vững phong độ, với điểm sáng là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nóng chuyện thiếu giáo viên, người dân bỏ ruộng cày

Nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Cần (TP.Vinh) nhấn mạnh, công tác CCHC được chỉ đạo quyết liệt, chỉ số CCHC được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn sự chồng chéo; việc cấp GCNQSDĐ vẫn còn rườm rà.

"Cán bộ địa chính một số địa phương vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà, hướng dẫn thủ tục không đầy đủ khiến người dân phải "đi lại như thoi". Chỉ số CCHC của Nghệ An hiện chỉ mới ở mức trung bình khá, và là mức khá so với các địa phương trong cả nước, nên rất cần thiết phải có sự đột phá" - đại biểu Cần trăn trở.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Nguyễn Viết Hưng, thủ tục cấp GCNQSDĐ trên thực tế còn nhiều phức tạp vì vấn đề lịch sử, tranh chấp, nhiều lô đất phải xác minh thực địa kỹ lưỡng, cần nhiều loại hồ sơ chứng minh. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ việc cán bộ phụ trách tài nguyên môi trường cấp xã có tâm lý e ngại, sợ sai, áp lực nên xử lý còn chậm...

"Quyết tâm cải cách hành chính của Nghệ An là hết sức mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà cho dân. Năm 2023, tỉnh đã xem xét kỷ luật một loạt công chức. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh yêu cầu với những lãnh đạo cấp phòng mà có dư luận phản ánh gây phiền hà thì phải điều chuyển vị trí công tác. Mới đây, tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu đích danh 2 trưởng phòng cấp sở, ngành bị dư luận phản ánh gây phiền hà, yêu cầu cương quyết phải chuyển vị trí công tác" - ông Nguyễn Viết Hưng thông tin.

Tại Tổ 3 các đại biểu tới từ các đơn vị bầu cử TX.Thái Hoà, các huyện Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành "nóng" câu chuyện thiếu giáo viên.

Các đại biểu cho hay, ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023-2024 đang thiếu số lượng lớn giáo viên, đặc biệt là cấp học mầm non và tiểu học; một số xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác khác. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và chất lượng giáo dục.

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nóng chuyện thiếu giáo viên, người dân bỏ ruộng cày

Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã điều hành thảo luận tổ 3

Ngoài ra, còn tồn tại thực tế chế độ dạy tăng tiết, thừa tiết của giáo viên không được đảm bảo; có tình trạng bố trí dạy chéo môn, dạy liên trường, bộ môn được đào tạo không hề liên quan với bộ môn được bố trí dạy, giáo viên từ các trường được điều động biệt phái công tác ở phòng Giáo dục.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Võ Văn Mai cho hay, vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn là thực tế đã tồn tại nhiều năm, trong đó với riêng bậc trung học cơ sở là do mất cân đối bộ môn, và chương trình giáo dục mới có sự thay đổi.

"Tỉnh hàng năm đều rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để điều tiết giáo viên dạy học ở các bậc học, chỉ tiêu tăng biên chế cho ngành giáo dục. Tuy vậy, một số địa phương không có nguồn để tuyển dụng. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đã ban hành các Thông tư quy định về vị trí việc làm tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, bậc học mầm non, trung học phổ thông. Các huyện cần thực hiện rà soát để đánh giá việc thừa thiếu giáo viên, đội ngũ công chức làm việc tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo" - ông Mai nói.

Tại Tổ 2 các đại biểu đến từ các huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu lại "nóng" câu chuyện nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, Dương Đình Chỉnh, thực tế đang có tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lớn. Ngoài ra, việc triển khai nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn, có những vùng nông nghiệp người dân không thể sản xuất được do hệ thống kênh mương thủy lợi bị ảnh hưởng.

"Hết sức cần thiết phải thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương, nông thôn để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn" - ông Chỉnh đề xuất.

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nóng chuyện thiếu giáo viên, người dân bỏ ruộng cày

Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, ông Dương Đình Chỉnh cho rằng: "Tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều"

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, địa phương đã nỗ lực trong việc bố trí nguồn lực hỗ trợ nông nghiệp, tuy vậy thực tế là chính sách hỗ trợ nông nghiệp hiện nay vẫn đang thực hiện trên diện rộng, đối tượng thụ hưởng nhiều.

Ngoài ra, việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là hết sức khó khăn, đòi hỏi quá trình dài hơi, tổng hợp được nhiều yếu tố.

"Sở NN&PTNT cũng như các địa phương cần rà soát chi tiết, khi xây dựng chính sách cần lựa chọn để có sự đầu tư ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả" - ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 05/12, tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Hoàng Sỹ Kiện - Giám đốc Sở Xây dựng, phân công phụ trách ngành Xây dựng.

Quang Minh - Anh Tuấn

Tags:

Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

thiếu giáo viên ở Nghệ An

người dân Nghệ An bỏ ruộng

Tin cùng chuyên mục