Manh nha mô hình kinh tế bền vững ở Việt Nam
Trung tuần tháng 7, Mondelez Kinh Đô Việt Nam công bố rót 30.000 USD vào Green Connect, một startup với các sáng kiến hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn (sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng...).
Số tiền này sẽ được công ty dùng trong giai đoạn 2022 - 2023 để tăng công suất xử lý rác thải hữu cơ từ 500 kg lên 30 tấn mỗi ngày bằng ấu trùng ruồi lính đen. Nguồn rác là chất thải thực phẩm từ nhà máy Bình Dương của Mondelez Kinh Đô, khối lượng 5 tấn mỗi tháng.
Rác sau khi xử lý trở thành phân hữu cơ cho cây trồng, còn ấu trùng ruồi lính đen được kết hợp với dược liệu, cám, bắp, bột để làm thức ăn cho gà. "Tôi mong dự án sẽ truyền cảm hứng cho các phong trào khởi nghiệp từ rác thải, xem rác là vàng", ông Huỳnh Hạnh Phúc, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập Green Connect, nói.
Ông Huỳnh Hạnh Phúc giới thiệu về giải pháp xử lý rác bằng ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh công ty cung cấp
Ông Bùi Khánh Nguyên, Giám Đốc Truyền Thông và Đối Ngoại Mondelez Kinh Đô, cho biết công ty quyết định tham gia vì dự án góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp, môi trường, xã hội.
Cơ hội giao thương, chuyển giao công nghệ xanh cũng đang chảy vào Việt Nam. "Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Á chúng tôi đặt chân vào, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi xanh của đất nước này", ông Juha Pinomaa, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của Betolar cho biết.
Betolar là công ty công nghệ vật liệu Phần Lan. Cuối tháng trước, họ ký hợp tác với Trung Hiếu - đơn vị sản xuất gạch bê tông Việt Nam - để công ty này ứng dụng giải pháp Geoprime trong sản xuất các sản phẩm với hàm lượng khí thải thấp dựa trên nền kinh tế tuần hoàn.
"Việt Nam là đất nước sản xuất xi măng lớn thứ ba và là nước tiêu thụ xi măng lớn thứ tư trên thế giới, với 85 triệu tấn tiêu thụ hàng năm. Trước tiềm năng mạnh mẽ của vật liệu thay thế xi măng, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ mang lại các cơ hội thương mại đáng kể trong những năm sắp tới", ông Juha Pinomaa nói thêm.
Thực ra, xu hướng kinh tế tuần hoàn đã được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong thập niên gần đây, chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như chương trình hợp tác công tư được ký kết bởi SCG, Unilever Việt Nam, Dow Chemicals và Bộ Tài Nguyên - Môi trường vào tháng 2/2020 về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nó không nên là những phong trào đơn lẻ trong doanh nghiệp, khi Việt Nam có mục tiêu đầy tham vọng là trung hòa carbon vào 2050, được tuyên bố ở COP26. Cùng với đó, rác thải ngày một tăng. Chỉ tính riêng rác thải nhựa đã là 1,8 triệu tấn mỗi năm, nhưng chỉ 27% được tái chế, theo số hiệu năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hai yếu tố này tạo nên thời điểm vàng để không quá muộn nếu muốn triển khai kinh tế tuần hoàn nói riêng và các mô hình kinh tế bền vững nói chung. Nhật Bản chính là một bài học. Nước này có khái niệm truyền thống "Mottainai", nghĩa là "không thực hiện việc phung phí, không mang tư tưởng phung phí". Tinh thần này được đưa vào Đạo luật cơ bản về Thiết lập Xã hội Tuần hoàn Vật chất An toàn do Chính phủ Nhật Bản ban hành năm 2000.
Trước đó, vào năm 1999, do khó khăn trong việc xử lý chất thải công nghiệp và thách thức trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã cho ra đời tài liệu Tầm nhìn kinh tế tuần hoàn.
Thời điểm ấy, Nhật Bản phải đối mặt với áp lực từ vấn đề lượng rác thải tăng cao và số lượng cơ sở xử lý rác thải hạn chế, tương tự như Việt Nam hiện nay. "Đã đến lúc chúng ta xem xét lại sự can thiệp của mình với thiên nhiên và môi trường, đặc biệt khi thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng biến đổi khí hậu và đại dịch", Murooka Naomichi, Phó trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho biết.
Đầu tháng 7, Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố "Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam", ước tính nền kinh tế thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Dự báo tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào 2050.
Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Hiện đóng góp của Việt Nam vào tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này, từ 0,79 tấn tương đương vào năm 2000 lên 3,81 tấn CO2 vào năm 2018. Lượng khí thải tại đây cũng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới.
"Việt Nam cũng là quốc gia đóng góp ngày càng nhiều vào phát thải khí nhà kính. Việc thực hiện các cam kết quốc tế đầy tham vọng của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải có hành động trong những lĩnh vực phát thải chính như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo và sử dụng định giá carbon để thúc đẩy đầu tư", Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bình luận.
Thực tế, Việt Nam đã tích cực đưa nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững hơn và giảm phát thải nhà kính, thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để hiện thực hóa Chiến lược này, Chính phủ xây dựng "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030" đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho từng ngành. Bản thân JICA, nơi ông Murooka Naomichi làm việc, cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để khảo sát về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm đưa ra kinh nghiệm và đề xuất chính sách.
Trước khi kết quả chính thức được công bố, thị trường cũng đã tự thân có những vận động tích cực. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020.
Nhưng việc nắm bắt thời cơ tăng tốc cho các mô hình kinh tế bền vững sẽ cần những hoàn thiện về mặt tầm nhìn và chính sách vĩ mô. Theo ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC, hai mục tiêu là trở thành một quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0 trong 30 năm tới đòi hỏi Việt Nam phải huy động một lượng lớn vốn tư nhân.
"Để điều này trở thành hiện thực, quan trọng là Việt Nam phải thiết kế và thực hiện các chính sách và cải cách đúng đắn", ông nói.
Ví dụ, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, đánh giá hiện vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi.
Đơn cử trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh để tài trợ trên cơ sở dự án và môi trường pháp lý và luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn.
"Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia", ông Khoa nói.
Nhìn từ kinh nghiệm lịch sử phát triển chính sách kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản, ông Murooka Naomichi cho rằng đối với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội khác nhau ở Việt Nam và cân nhắc xu thế toàn cầu, cần xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể để xác định chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn bằng các hành động, biện pháp khả thi.
"Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một hành trình, Chính phủ Việt Nam cần tiếp cận từng bước một với hệ thống giám sát và đánh giá minh bạch nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đóng góp mô hình kinh doanh sáng tạo của họ", ông nhận định.
Viễn Thông
Tags:kinh tế bền vững
kinh tế xanh
kinh tế tuần hoàn
Xu hướng kinh doanh
Bối cảnh
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục