14/12/2023 12:43

Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người di cư (18/12) do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp Cục Dân số (Bộ Y tế) và Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư tổ chức tại Hà Nội.

Theo bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,6 triệu người trong độ tuổi lao động.

Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế).

Với quy mô dân số lớn 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, đủ hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, với vị trí đắc địa về địa chính trị, môi trường chính trị ổn định, dân số trong độ tuổi lao động lớn, người Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi... lại càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

Riêng đối với Việt Nam, hiện có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và gần 200.000 du học sinh ở các nước, chưa kể các loại hình di cư khác.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường quản lý di cư, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến lập Nhóm sức khỏe kỹ thuật người di cư, xây dựng và phát hành Sổ tay sức khỏe người di cư cho người lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc do Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Dân số thực hiện.

Theo Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay. Trên hành trình di cư, mỗi người di cư phải đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, giai đoạn 2014-2022, đã có khoảng 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình di cư kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương

Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách đảm bảo an toàn cho người di cư

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, hoạt động đưa người di cư trái phép, mua bán người, để di cư thực sự là lựa chọn, chứ không phải là sự cần thiết, để mỗi người di cư trên hành trình di cư an toàn và hợp pháp của mình có thể phát huy vai trò động lực đối với phát triển bền vững.

Trong khi đó, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với người di cư, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản cùng nhiều văn bản khác do Chính phủ, các Bộ ban hành nhằm hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người di cư.

Theo bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, người dân di cư vì nhiều lý do, nhưng họ đều có một mục đích, đó là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn. Để bảo đảm người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan thực thi pháp luật để các bên cùng chung tay.

Theo các chuyên gia, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực trên Thế giới. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi di và nơi đến.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 18/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Người di cư nhằm ghi nhận những đóng góp của người di cư cho cộng đồng và kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hỗ trợ, bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư.

Nam Anh

Tags:

Ngày Quốc tế Người di cư

Tổng cục Dân số

chính sách cho người di cư

Tin cùng chuyên mục