Phó Thống đốc: Nới room tín dụng không phải vì doanh nghiệp 'kêu'
Động thái nới room tín dụng 1,5-2% của Ngân hàng Nhà nước còn dựa trên việc xem xét các yếu tổ vĩ mô, không chỉ vì áp lực từ phía doanh nghiệp.
"Chúng tôi mở thêm 1,5-2% room tín dụng vừa qua không phải vì do doanh nghiệp mà từ những phân tích tình hình thế giới tác động tới Việt Nam, đồng thời xem xét trên các yếu tố cân đối vĩ mô, tỷ giá, thanh khoản của các NHTM...", thông điệp trên được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tại họp báo sáng 27/12.
Ông Tú cho biết thêm, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại họp báo sáng 27/12. (Ảnh: NHNN)
Đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của tổ chức tín dụng cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân…
Về định hướng năm 2023, NHNN cho hay sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tiếp tục kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB
Cũng tại họp báo sáng 27/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, do tác động của các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân, có những sai phạm trong hoạt động lĩnh vực kinh tế và có quan hệ trực tiếp tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và làm ảnh hưởng tới niềm tin của người gửi tiền, dẫn đến câu chuyện người dân rút tiền, khó khăn, buộc NHNN phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
“Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát đặc biệt ngân hàng này để ngân hàng hoạt động ổn định, từng bước dần khôi phục lại”, ông Tú nói.
Đề cập đến cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong một số lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản có giá trị lớn, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hay bất động sản có tính chất đầu cơ, thổi giá bất động sản.
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, không để bong bóng xảy ra, ngành ngân hàng sẽ quyết liệt trong thời gian tới trong các chỉ đạo, điều hành.
Khó khăn của lĩnh vực bất động sản tại một số địa phương là có, tuy nhiên, không thể vì khó khăn đó mà nhà nước có thể đứng ra làm hộ, tự bản thân các doanh nghiệp, dự án đó phải có những giải pháp cụ thể, theo ông Tú.
Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt nhà băng giảm lãi suất huy độngGhi nhận trong những ngày gần đây, hàng loạt ngân hàng thương mại thực hiện giảm mạnh lãi suất huy động, xuống dưới mức 9,5%/năm.
Tags:nới room tín dụng
ngân hàng nhà nước nới room tín dụng
lý do nới room tín dụng
Tin cùng chuyên mục