Sập bẫy tình, 8X Yên Bái mất 200 triệu, phải nhập viện điều trị tâm thần
Ly thân chồng, chị Linh Lan bỗng dưng được một người đàn ông Việt sống ở Malaysia quan tâm. Sau 8 tháng bị dẫn dắt vào bẫy tình, chị mất hàng trăm triệu và phải nhập viện điều trị tâm thần.
8 tháng bị dẫn dắt vào bẫy tình
Chị Linh Lan (34 tuổi) là giáo viên của một trường THPT có tiếng ở tỉnh Yên Bái. Hôn nhân không hạnh phúc, chị chọn ly thân, sống cùng 2 con nhỏ.
Hơn 1 năm ly thân, khoảng tháng 1/2023, chị Lan bỗng dưng được người đàn ông ở Malaysia nhắn tin làm quen qua mạng xã hội.
Đối tượng dùng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để lừa chị Lan
Chị Lan cho biết, chị có tham gia một nhóm thiện nguyện của giáo viên địa phương. Nhóm thiện nguyện của chị thường gom quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm… gửi cho trẻ em vùng Trạm Tấu, Mù Cang Chải…
Để tập hợp lòng hảo tâm của bạn bè, chị Lan đăng thông tin kêu gọi “nhường cơm sẻ áo” trên trang cá nhân. Thông qua đó, nhiều nhà hảo tâm, chủ yếu là bạn học cấp 3, đại học của chị Lan gửi tiền, quà trực tiếp cho nhóm thiện nguyện.
Ngoài người quen, chị Lan thường xuyên nhận được tin nhắn từ người lạ tốt bụng. Vì vậy, chị không đề phòng, nhiệt tình trao đổi với bất kỳ ai có lòng hảo tâm.
Trong số người lạ ấy, chị Lan có trò chuyện với tài khoản Facebook Lý Hào. Người này giới thiệu là bạn của bạn chị Lan, sống ở Malaysia.
“Anh ấy cho biết, anh sinh năm 1983, quê Nam Định, sang Malaysia định cư từ năm 12 tuổi. Anh có vợ và 2 con nhưng vợ anh gặp nạn, mất cách đây 6 năm.
Anh còn bố mẹ sống ở Nam Trực, Nam Định. Anh biết đến tôi qua các bài viết kêu gọi giúp đỡ trẻ em vùng cao”, chị Lan kể lại.
Chẳng nghĩ ngợi, chị Lan đồng ý kết bạn với tài khoản Lý Hào. Kể từ thời điểm đó, người này liên tục nhắn tin, gọi video trò chuyện, hỏi thăm chị.
Tuy nhiên, chị Lan chỉ thấy “bạn trai” cười và lắc đầu. Những lúc nói chuyện, người này lại hạ thấp phần miệng ra khỏi khung hình.
Thậm chí, Lý Hào còn chụp ảnh căn cước công dân, gửi video đang họp ở công ty, chứng minh người thật việc thật với chị Lan.
Ngày lẫn đêm, chị Lan đều được “bạch mã hoàng tử” quan tâm đặc biệt. Trước sự tấn công bài bản, chị nảy sinh tình cảm, bắt đầu “say nắng” đối tượng.
Chị Lan bị dẫn dắt tham gia sàn chứng khoán ảo
Người đàn ông này nhiều lần ngỏ lời yêu thương nhưng chị Lan không đồng ý do việc ly hôn chưa được giải quyết.
Anh ta vẽ ra trước mắt chị Lan một tương lai hạnh phúc. Anh còn hứa thuê luật sư, giúp chị giành quyền nuôi con.
Anh cũng cung cấp cho chị Lan địa chỉ của bố mẹ ở Nam Định và hứa ngày 10/10 sẽ về nước đồng thời cho bạn gái xem vé máy bay.
Người đàn ông nói về nước sẽ chọn sống ở Đà Nẵng, mở cửa hàng đá quý. Khi nào về, sẽ nhờ chị Lan dẫn đến huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái xem đá quý.
Yên Bái có huyện Lục Yên nổi tiếng về đá quý. Thế nên, chị Lan tin sái cổ. Kịch bản của kẻ lừa đảo không có kẽ hở khiến “con mồi” rơi vào bẫy mà không hề nghi ngờ.
Mất hàng trăm triệu, sang chấn tâm lý
Tháng 7/2023, xã Nậm Có, Mù Cang Chải bị lũ ống quét trong đêm, bà con thiệt hại rất nhiều. Nhóm của chị Lan tham gia cùng các ban ngành đoàn thể của tỉnh lên vùng lũ hỗ trợ.
Biết chuyện, kẻ lừa đảo tung chiêu sau 8 tháng dẫn nạn nhân rơi vào bẫy tình. Anh ta chuyển 30 triệu đồng, nhờ chị Lan giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn do lũ quét.
Chị Lan vui vẻ nhận lời, cung cấp số tài khoản của hội thiện nguyện. Tuy nhiên, người này nói không muốn gửi vào đó mà thích gửi qua tài khoản cá nhân của bạn gái.
Kẻ lừa đảo yêu cầu chị Lan chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhau
Tất nhiên, chị Lan đồng ý mà không chút nghi ngờ. Lần đầu, anh ta gửi 30 triệu đồng thật. Chị Lan dùng số tiền đó ủng hộ cho bà con gặp thiên tai.
Tiếp đó, bạn trai nói muốn gửi cho chị Lan thêm 500 triệu đồng. Số tiền sẽ bao gồm tiền gửi riêng cho chị Lan và ủng hộ người nghèo.
Tuy nhiên, 500 triệu đồng bị mắc kẹt, chưa thể giải ngân. Chị Lan phải cài đặt app (trang web chứng khoán ảo), rồi nạp vào đó một số tiền nhỏ thì mới rút ra được toàn bộ.
Chị Lan tin tưởng làm theo hướng dẫn. Ban đầu, người đàn ông nói chị nạp 5 triệu, rồi 10 triệu đồng qua các số tài khoản ngân hàng khác nhau. Số tiền nạp vào cứ tăng dần với các nguyên nhân như nộp thuế, chuyển sàn…
Khi đã nạp 50 triệu đồng, chị Lan thấy không rút ra được nữa thì người này nói tiền bị treo, bão thị trường phải nạp thêm.
Lúc đó, chị cũng ngờ ngợ chuyện mình bị lừa. Tuy nhiên, chị tiếc số tiền đã nạp nên nạp thêm. Cho đến khi mất hơn 200 triệu đồng, chị chắc chắn mình đã bị lừa thì mới dừng lại.
“Khi tôi kiên quyết không nạp tiền nữa, đối tượng chặn Facebook, tắt app… lặn mất tăm. Tôi đem ảnh đối tượng hỏi mọi người thì biết đó là ảnh của một diễn viên nổi tiếng ở Malaysia. Hóa ra, thông tin cá nhân, hình ảnh của Lý Hào đều mạo danh.
Tôi về địa chỉ ở Nam Định mà đối tượng cung cấp thì đó là nhà của một gia đình khác, không ai biết đến hắn.
Tôi đến công an trình báo thì họ nói đây là hình thức lừa đảo trực tuyến. Lúc đó, tôi mất hết hy vọng, xác định mất hết tiền”, chị Lan tâm sự.
Chị Lan suy sụp, không biết lấy tiền đâu ra để trả cho bạn bè, đồng nghiệp. Ban đầu, chị khóc rất nhiều, tự trách bản thân nhẹ dạ cả tin. Mỗi lần nhìn 2 con, chị lại hận mình quá ngu dại.
“Tôi có trình độ, va chạm xã hội cũng nhiều, vậy mà bị lừa một cách nhục nhã. Hàng ngày, tôi chắt chiu, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, sống giản dị, cuối cùng mất trắng hàng trăm triệu”, chị Lan bật khóc.
Cú sốc lừa tình lừa tiền khiến chị Lan sang chấn tâm lý, tuyệt vọng, rơi vào trầm cảm. Chị âm thầm xin nghỉ phép, vào bệnh viện tâm thần điều trị. Nếu có ai hỏi đến, chị đều nói bị đau đầu phải nhập viện.
Chị Lan tiết lộ: “Tôi giấu chuyện bị lừa với tất cả, ngay cả mẹ ruột cũng không biết. Khoảng thời gian đó, tôi bị giảm 4kg, đêm thức trắng.
Sau 7 ngày nằm viện, tôi bình tâm suy nghĩ. Thực ra, số tiền đó cũng không phải quá lớn. Bây giờ, tôi đổ bệnh thì các con ai lo.
Tôi nhủ lòng phải chấp nhận, xem đó là số tiền để mua một bài học quá đắt.
Ra viện, tôi làm thủ tục vay ngân hàng, trả hết số nợ bên ngoài. Hiện tại, tôi chỉ còn khoản nợ hơn 150 triệu đồng ở ngân hàng, hy vọng 1-2 năm nữa sẽ trả hết”.
Người phụ nữ Yên Bái mất hàng trăm triệu đồng sau cú lừa trực tuyến
Chị Lan khẳng định, bản thân không tham tiền, chỉ muốn rút 500 triệu đồng để giúp người nghèo. Chị không ngờ lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Chị nghĩ cần phải chia sẻ câu chuyện cá nhân để người khác không rơi vào hoàn cảnh thê lương. Ở thời điểm này, người có học thức hay lao động nghèo đều có thể rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến.
“Chúng ta cần tỉnh táo, nói không với miếng phô mai đặt trong chiếc bẫy chuột. Chẳng có điều gì tốt đẹp từ trên trời rơi xuống, ngoại trừ nước mưa và…”, chị Lan nói trong ấm ức.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tags:Bẫy tình
Lừa đảo
lừa đảo trên mạng
lừa đảo trực tuyến
Tin cùng chuyên mục