‘Sức khỏe' tốt, doanh nghiệp chi nghìn tỷ đồng trả cổ tức
Chi cổ tức nghìn tỷ
CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/12 để tạm ứng cổ tức đợt 2/2022 bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ chi trả 14%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 1.400 đồng. Thời gian chi trả dự kiến là 28/2/2023.
Cổ đông lớn nhất - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến nhận về hơn 1.000 tỷ đồng; nhóm F&N có gần 600 tỷ đồng và quỹ Platinum Victory nhận về hơn 300 tỷ đồng tiền cổ tức.
Hồi tháng 8, Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 (15%) và phần cổ tức còn lại của năm 2021 (9,5%) với tổng tỷ lệ 24,5% bằng tiền mặt, tương ứng 2.450 đồng/cp.
Như vậy, tổng hai đợt này, Vinamilk chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng cho các cổ đông.
Cổ phiếu Vinamilk (VNM) tăng giá mạnh trong 6 tháng qua dù thị trường chứng khoán đi xuống. (Nguồn: Trading View)
Việc Vinamilk trả cổ tức tỷ lệ cao không có gì bất ngờ. Các năm trước, Vinamilk thường chi trả cổ tức nhiều lần mỗi năm, tổng cộng 30-45%/năm, thậm chí có năm lên tới 55-60%.
Theo kế hoạch, Vinamilk sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 38,5%.
CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) cũng vừa cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/12 để tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền, với tỷ lệ là 60% (6.000 đồng/cp). NTC cũng thường trả cổ tức cao: năm 2019 trả 100%, năm 2020 là 120% và năm 2021 là 90%.
Với gần 24 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NTC sẽ chi 144 tỷ đồng để trả cổ tức. Cổ đông lớn nhất của NTC - Cao su Phước Hòa (PHR) sẽ nhận về hơn 47 tỷ đồng.
Bản thân Cao su Phước Hoà cũng sắp dùng khoảng 540 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt đợt 1 với tỷ lệ 40%.
May Sông Hồng (MSH) sắp trả cổ tức 25%, còn Thủy điện Thác Bà (TBC) trả 1.500 đồng/cp.
Sức khỏe tài chính tốt, cổ phiếu treo cao
Việc chi trả cổ tức ở mức cao là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu và thị trường chứng khoán, đặc biệt trong đợt thị trường suy giảm mạnh.
Trong khi VN-Index giảm hơn 42% từ mức 1.520 điểm hồi đầu tháng 4 xuống 873 điểm sáng 16/12, cổ phiếu Vinamilk có xu hướng đi ngược thị trường. VNM tăng từ mức 62.00 đồng/cp hồi đầu tháng 6 lên 85.000 đồng/cp như hiện tại. Các tổ chức và khối ngoại mua vào ròng VNM.
Nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt với lượng tiền rủng rình. (Biểu đồ: M.Hà)
Đây là doanh nghiệp thuộc top đầu trên sàn về lượng tiền mặt cũng như lợi nhuận lũy kế. Tới cuối quý III/2022, Vinamilk có gần 22.400 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tương đương tiền là 2.868 tỷ đồng và 19.533 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nam Tân Uyên (NTC) cũng chịu áp lực giảm theo xu hướng chung trên thị trường nhưng vẫn giữ được mức giá cao. NTC tăng liền hai phiên gần đây là đang ở mức 126.700 đồng/cp. Cao su Phước Hòa (PHR) tăng mạnh trong 4 phiên gần đây, lên 46.100 đồng/cp.
Đầu tư Nam Long (NLG) vừa thông qua việc chi tối đa 1.000 tỷ để mua cổ phiếu quỹ, tiền dùng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty. Cổ phiếu NLG tăng 8 trong 10 phiên.
Thực tế cho thấy, trong xu hướng downtrend, ít cổ phiếu có thể đi ngược thị trường. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tốt cùng với những kế hoạch hỗ trợ giá cũng như trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông là yếu tố giúp các cổ phiếu vẫn hút dòng tiền từ các tổ chức lớn trong và ngoài nước; nhờ đó, cổ phiếu được duy trì ở mức giá cao.
Vinamilk là doanh nghiệp ổn định, có sức khỏe tài chính tốt. Trong quý III/2022, VNM đạt gần 16,1 nghìn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.360 tỷ đồng, tăng 10,5% so với quý trước.
Trong quý III/2022, NTC ghi nhận doanh thu hơn 53 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 74% lên 37 tỷ đồng. Cao su Phước Hoà cũng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng.
Tags:
cổ tức
CTCP Sữa Việt Nam
Vinamilk trả cổ tức
Tin cùng chuyên mục