14/11/2023 17:39

Thúc đẩy ứng dụng hóa đơn điện tử tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số

Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế số Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Thúc đẩy ứng dụng hóa đơn điện tử tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số

Theo báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company, kinh tế số Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 19% trong giai đoạn 2022-2023, dự báo tổng giá trị hàng hóa sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025.

Kinh tế số Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đó là nhờ vào chính sách đúng đắn của Chính phủ khi định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Trong đó, hóa đơn điện tử được coi là một trong những giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Một mặt, hóa đơn điện tử góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, hóa đơn điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chia sẻ tại Hội thảo Nâng cao nhận thức về hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp, ông Charlies Thurby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng hóa đơn điện tử có ảnh hưởng tích cực đến quá trình chuyển đổi số, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng giao thương với các đối tác nước ngoài.

Hiện nay, hóa đơn điện tử đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Singapore hiện đang triển khai InvoiceNow, một nền tảng hóa đơn điện tử toàn quốc cho phép các công ty thuộc mọi quy mô xử lý hóa đơn điện tử một cách hiệu quả. InvoiceNow hoạt động dựa trên khung tiêu chuẩn Peppol, cho phép các doanh nghiệp tạo, chuyển hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng và an toàn. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, để thu hút và thúc đẩy doanh nghiệp tích cực tham gia sử dụng hóa đơn điện tử, chính phủ cần thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn cho doanh nghiệp, song song với việc đưa ra những gói hỗ trợ hấp dẫn như miễn phí thời gian đầu cho các doanh nghiệp tham gia vào các nền tảng thiết lập hóa đơn điện tử.

Tương tự Singapore, Nhật Bản hiện cũng đang đẩy mạnh ứng dụng hóa đơn điện tử dựa trên tiêu chuẩn Peppol. Trong đó, khu vực công sẽ chịu trách nhiệm xây dựng quy chuẩn hóa đơn điện tử chuẩn hóa địa phương. Trong khi một nhóm công tác giữa khu vực công và tư được thành lập để đẩy mạnh triển khai tiêu chuẩn Peppol rộng rãi trên toàn quốc. Ông Hiroyuki Kato, Giám đốc Cơ quan kỹ thuật số và Ban thư ký nội các Nhật Bản khuyến nghị về việc hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực hóa đơn điện tử. Ông cho rằng, Việt Nam cũng nên nghiên cứu và triển khai tiêu chuẩn hóa đơn điện tử (như Peppol) tạo cơ sở ứng dụng hóa đơn điện tử hiệu quả hơn.

Thúc đẩy ứng dụng hóa đơn điện tử tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số

Sau 1 năm triển khai hóa đơn điện tử, Việt Nam đã xây dựng khung khổ pháp lý cơ bản hướng dẫn thực thi áp dụng hóa đơn điện tử. Tính đến ngày 31/10/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn. Dưới góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp kiến nghị cần có thêm nhiều chương trình tập huấn giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tiếp cận và thực thi tốt hơn các quy định về hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp là nhà cung cấp dịch vụ cũng mong muốn được tiếp cận, trao đổi nhiều hơn giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn và cải tiến chất lượng nền tảng, cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng hóa đơn điện tử.

Tags:

hóa đơn điện tử

kinh tế số

Tin cùng chuyên mục