31/12/2022 15:50

Trần tình về thành tích chiến đấu, cựu đại tá biên phòng xin giảm án trước tòa

Trần tình về thành tích chiến đấu, cựu đại tá biên phòng xin giảm án trước tòa

28/12/2022 11:49 GMT+7

Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay 28-12, các bị cáo trình bày, làm rõ những tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá biên phòng, kể ra nhiều thành tích trong chiến đấu, trong đó có thương tật 49% vẫn đau lúc 'trái gió trở trời'.

Trần tình về thành tích chiến đấu, cựu đại tá biên phòng xin giảm án trước tòa

Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu đại tá biên phòng, tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: ĐỨC TRỌNG

Sáng 28-12 tại Hà Nội, Tòa án Quân sự trung ương tiếp tục xét xử phúc thẩm hai cựu thiếu tướng tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, 4 cùng bảy bị cáo khác trong vụ nhận hối lộ, bảo kê "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu.

Trần tình về các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) nêu các thành tích trong chiến đấu, trong công tác. Trong đó, ông nhắc đến sự kiện 14-3-1988, lúc đó ông cùng tập thể tàu HQ-931 được lệnh có mặt tại nơi xảy ra chiến sự để làm nhiệm vụ.

Ông cũng nêu về các lý do sức khỏe, trong đó trước phiên tòa sơ thẩm đã bị nằm liệt giường ba tháng nên đến khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, sức khỏe của ông yếu, nhận thức giảm. Hiện nay, sức khỏe đã được cải thiện nhờ tập thể dục.

Ở phiên phúc thẩm chiều qua 27-12, hội đồng xét xử công bố bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) được thống kê có rất nhiều bằng khen, khen thưởng với mức độ khác nhau, lên đến 29 lần khen thưởng.

Tại phiên tòa sáng nay, trần tình về các thành tích trong chiến đấu, công tác, cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh nhắc đến vụ chủ trì chuyên án, triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia do cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu, lần đầu tiên khám phá ma túy đá được cất giấu trong các khối đá granite trong xe container.

Cùng với đó là rất nhiều bằng khen gồm: ba huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng nhất, nhì, ba; huy chương Quân kỳ quyết thắng; bằng khen của Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia về công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; hai lần có tám năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hai lần là chiến sĩ thi đua cấp toàn quân.

"Hôm qua khi nhắc đến các thành tích của bị cáo, cũng như được người thân gửi đơn đến tòa xin giảm nhẹ cho bị cáo, bị cáo rất xúc động. Trước tình cảm này, bị cáo xem xét hành vi của mình, khai báo làm sao khách quan, đúng sự thật để giải quyết vụ án đúng, cũng có lợi cho mình" - hội đồng xét xử nói về trường hợp bị cáo Thế Anh.

Sau khi lắng nghe hội đồng xét xử, bị cáo Thế Anh xúc động nói bản thân bị thương tật 49% trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đến nay chưa làm chứng nhận thương tật.

"Vừa rồi nếu không bị bắt, bị cáo đã thực hiện việc này rồi. Đến nay 49% thương tật, lúc trái gió trở trời bị cáo vẫn bị đau, hiện nay một bên tai bị cáo không nghe được, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét" - ông xúc động nói trước tòa.

Hội đồng xét xử ghi nhận sự chuyển biến của cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh trong phiên tòa hôm qua, từ kháng cáo kêu oan đến khai báo nhận tội hối lộ. Nhưng với tội thứ hai về tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép thì cần đánh giá đúng hành vi.

"Những gì bị cáo làm, bị cáo xin nhận rồi. Nhưng việc đó bị cáo không làm, bị cáo xin trình bày như vậy, đúng sự thật như vậy, bị cáo không có nói với Nguyễn Văn An đi Lào hoặc cho tiền Nguyễn Văn An" - ông Thế Anh nói.

Để làm rõ thêm tình tiết này, luật sư hỏi Nguyễn Thế Anh về nhận định trong bản án sơ thẩm về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép có nêu: Ngày 20-3-2021, ông có đáp một chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc để thực hiện việc đó, ông cho hội đồng xét xử được biết, ngày 20-3-2021 có bay chuyến bay từ Hà Nội vào Phú Quốc hay không?

Ông Thế Anh trả lời trong ngày 20-3-2021 không có bay chuyến bay nào từ Hà Nội vào Phú Quốc.

Trước đó, ngày 15-7-2022, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh tù chung thân về tội nhận hối lộ, 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.

Tám bị cáo còn lại đều bị kết án về tội nhận hối lộ gồm cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Nguyễn Văn An cùng bị phạt 15 năm tù; bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) lãnh 12 năm tù; Nguyễn Văn Hùng 16 năm tù; Nguyễn Thanh Lâm 11 năm tù; Phạm Văn Trên 10 năm tù; Lê Văn Phương và Phạm Hồ Hải cùng bị phạt 3 năm 6 tháng tù.

Đối với Phan Thanh Hữu, ngày 8-12, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt 16 năm tù về tội buôn lậu.

Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo khác. Trong đó, đến phần xét hỏi của bị cáo Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng), hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ thêm các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị bị cáo cung cấp các căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, bị cáo Lâm không cung cấp được căn cứ ngay tại tòa.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để yêu cầu xác minh, làm rõ bảo đảm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lâm. Hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét vấn đề này.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2019 "ông trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu cùng cựu đại tá Phùng Danh Thoại và một số người góp gần 54 tỉ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.

Phan Thanh Hữu biết ông Lê Văn Minh là tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng.

Sau đó, ông Lê Văn Minh trực tiếp nhận và thông qua vợ, con để nhận của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỉ đồng nhằm tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Đầu năm 2020, Hữu thông qua ông Minh để làm quen với cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh. Được ông Thanh đồng ý, từ tháng 3-2020 đến tháng 1-2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỉ đồng cho con trai là Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Xuân (vợ ông Thanh).

Cựu đại tá biên phòng khai nhận 120.000 USD từ 'ông trùm' xăng dầu do 'không suy nghĩ'

Cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh khai có nhận tiền từ "ông trùm" Phan Thanh Hữu, nhưng cho rằng không phải tiền hối lộ vì không ép buộc, mà do Hữu tự nguyện.

HÀ THANH

Tags:

tòa án quân sự

quân sự trung ương

xét xử phúc thẩm

tư lệnh cảnh sát biển

cảnh sát biển

nhận hối lộ

tand tỉnh đồng nai

đấu tranh phòng chống tội phạm

đường dây ma túy

buôn lậu xăng dầu

nguyễn thế anh

Tin cùng chuyên mục